SẮC BÙA –  “ MÓN ĂN TINH THẦN” CỦA NGƯỜI  DÂN PHỔ AN CẦN ĐƯỢC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY     

Lượt xem:

Đọc bài viết

SẮC BÙA –  “ MÓN ĂN TINH THẦN” CỦA NGƯỜI  DÂN PHỔ AN CẦN ĐƯỢC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY     

Mỗi một nơi trên đất nước Việt Nam lại có một làn điệu dân ca riêng. Người Nghệ Tĩnh yêu điệu ví dặm quê mình, người xứ Kinh Bắc lại chuộng hát dân ca quan họ, người Nam Bộ lại lênh đênh trên chiếc xuồng  mà ngân nga vài ba câu vọng cổ. Người Quảng Ngãi lại tự hào với hát sắc bùa – một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Trước năm 1975, ở Quảng Ngãi tục hát sắc bùa khác phổ biến ở một số làng xã ven biển của các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ.

                                           Ảnh : Hình thức hát múa sắc bùa     

 

Hát sắc bùa là một hình thức diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ phong tục, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán và hiện còn bảo tồn ở một số địa phương trong cả nước như Hòa Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…Ở Quảng Ngãi vẫn còn một số nơi có đội sắc bùa như : Mộ Đức có đội sắc bùa của thôn Văn Hà thuộc xã Đức Phong, ở Đức Phổ có đội sắc bùa xã Phổ Thạnh, Phổ An. Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể khẳng định rằng tục hát sắc bùa ở hai làng An Thổ và An Thạch của xã Phổ An ( Đức Phổ) là còn khá nguyên vẹn từ hệ thống làn điệu đến hình thức diễn xướng và độc đáo hơn cả. “So với nhiều địa phương ven biển khác, hát sắc bùa ở Phổ An còn khá nguyên vẹn về hệ thống làn điệu cũng như trình tự diễn xướng.. ( Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi đã phát biểu)

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng xã nhà vẫn giữ được nét truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời nay. Đến với Phổ An, các bạn sẽ được thưởng thức “ món ăn tinh thần” không thể thiếu của người Phổ An xem “hát sắc bùa”. Hát sắc bùa là một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm nét tính chất nghi lễ, phong tục, chủ yếu diễn ra vao dịp Tết Nguyên đán hay một số lễ hội của địa phương. Ngày xưa, Tết đến, tiếng trống bập bùng vẳng từ làng bên khi có đoàn sắc bùa , bầy trẻ con ra tận đầu làng nghênh đón rộn ràng:

Sắc bùa là sắc bùa hòe

Trông mau tới Tết ăn chè với xôi

Sắc bùa là sắc bùa ôi

Trông mau tới Tết ăn xôi với chè

Nghệ thuật Hát sắc bùa ở Phổ An nói riêng ở miền Trung nói chung, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản này trong cộng đồng.

Theo các nghệ nhân hát sắc bùa ở phổ An thì tục hát sắc bùa đã có ở vùng đất này từ xa xưa và cũng không ai biết ông tổ của các đội sắc bùa ở đây là ai. Do điều kiện chiến tranh ác liệt đi qua mảnh đất này hiếm có bộ tộc nào còn giữ được gia phả của dòng họ mình. Một vài bản gia phả ghi chép lại chỉ khoảng trên dưới mười đời và không rõ gốc tích của các bậc tiền nhân đến lập xóm. Nhiều bô lão ở đây cho biết, có thể các bậc tiền nhân của họ đến từ các vùng Thanh – Nghệ -Tĩnh vào khai cư lập nghiệp từ nhiều thế kỉ trước. Vì thế tìm ra gốc tích hát sắc bùa ở Phổ An là rất khó khăn. Tuy nhiên theo các nghệ nhân hiện còn, vào thời kháng chiến chống Pháp đã có những nghệ nhân hát sắc bùa ở Phổ An như Nguyễn Chạm, Trịnh Thiện, Nguyễn Lành, Trần Hàm…Đặc biệt là hai ông Nguyễn Chạm và Trịnh Thiện. Vào những năm 40, 50 của thế kỷ XX, gánh hát của hai ông này không chỉ biểu diễn ở trong xã , trong huyện, trong tỉnh mà còn đi lưu diễn ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên có khi ra cả Hội An- Quảng Nam…

 Ảnh: Đoàn hát sắc bùa xã Phổ An đang biểu diễn trong dịp Tết Nguyên Đán (cụ Lê Hổ ở giữa, đang vỗ trống)( ảnh năm 2014)

Và nhờ “say” sắc bùa mà cụ Hổ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2007.

Trước tiên, xét về biên chế, nhạc cụ và trang phục có thể thấy đội sắc bùa hay còn gọi là phường bùa ở Phổ An trước đây cũng như hiện nay, thường thường gồm có 11 đến 15 người, gồm 5 người đàn ông ( một ông cái kiêm chơi trống tùng vinh, một ông chơi đàn cò, một ông chơi kèn tiểu, một ông chơi phách, một ông phụ cái) và 6 đến 10 nữ (tuổi từ 12 đến 16 tuổi) làm quân ( con xô), mỗi quân chơi một bộ sinh tiền. Ngoài ra còn có hai người lo việc hậu cần và trang phục.

Từ cấu tạo biên chế thì có thể thấy, nhạc cụ cho đội sắc bùa ở đây gồm: một ông trống tùng vinh ( giữ nhịp và cũng là nhạc cụ quan trọng nhất, là “ linh hồn” của bản nhạc), một đàn cò ( chủ yếu là để diễn tấu phần giai điệu),  một phách( còn gọi là sinh cái, sênh và có khi thay bằng song loan, dùng để đệm và giữ nhịp), sáu đến mười sinh tiền ( giữ nhịp và cũng là công cụ để múa)

Trong số các nhạc cụ này thì trống tùng vinh là nhạc cụ chính trong dàn nhạc sắc bùa. Trống được làm bằng gỗ mít, là loại trống tang liền (người ta khoét thủng ruột thân gỗ mít lớn), hai đầu bịt bằng da kì đà. Trong có đường kính khoảng 20cm, chiều dài khoảng 60 cm, độ dày của trống là 1cm. Theo các nghệ nhân ở Phổ An thì tiếng trống tùng vinh có chức năng trừ ôn, trừ dịch. Vì vậy, người chơi phải gõ trống theo tiết tấu chính là : tùng dinh( gõ trống rồi buông tay) = trừ ôn, tùng dịch ( gõ trống rồi bịt tay lại) = trừ dịch.

Ngày nay, số lượng biên chế nhạc cụ của đội sắc bùa có tăng hay giảm, nhưng luôn phù hợp với một câu hát sắc bùa đã từng lưu truyền ở An Thổ và An Thạch xã Phổ An, cách đây chừng 50 năm trước:

                                      Ông Nhạn đánh phách

                                       Ông Đách thổi kèn

                                       Ông Nhơn kéo đờn

                                        Ông Ôn đánh trống.

Về trang phục:  người điều khiển cũng là người hát chính thường là các nghệ nhân với trang phục đầu đội khăn chít điều, mặc áo đỏ có thắt dây lưng, quần vàng rộng, không đi dép

Đội múa với trang phục đầu đội mũ nhiều ria, trang trí vui mắt hoặc chít khăn màu hồng, quần áo đồng màu, thường là màu xanh nhạt hoặc màu vàng, hoặc màu đỏ… thắt lưng điều, chân không đi dép, tay cầm sanh tiền và lồng đèn.

Ảnh : Trang phục của con xô trong hát múa sắc bùa.

Một chương trình hát sắc bùa ở dạng đầy đủ thì phải theo trình tự các lễ thức như sau:

Phần thủ tục ban đầu là phần mang tính nghi lễ – phong tục với những bài hát đầu tiên như Mở ngõ  “Mở ngõ, mở ngõ/ Khoen trên còn xỏ/ Chốt dưới còn gài/ Mở ra cho chóng/ Ðể chúng tôi vào/ Năm mới giàu sang/ Gia quan tấn lộc…” rồi đến Vào ngõ, Vô sân nêu lên mục đích của đội bùa đến nhà gia chủ. Đến trước cửa nhà đội bùa hát bài Mở ngõ. Khi chủ nhà lên nhang đèn trên bàn thờ gia tiên và nổi nhạc hát bài lễ Tạ ông bà. Sau lễ tạ ông bà, trình tự đội bùa hát bài Bộc trúc. Bài Bộc trúc nói lên ý nghĩa của việc phường bùa đến nhà gia chủ nhân dịp năm mới và là sự tóm tắt toàn bộ diễn trình từ việc tập luyện cũng như mục đích ý nghĩa của phường sắc bùa đến nhà gia chủ. Tiếp đến là các bài hát mang tính giới thiệu, phô diễn về các nhạc cụ chính mà nhất thiết mà đội bùa phải mang dến đầy đủ. Đó là các bài hát Tổ trống, Tổ đôi sinh. Nếu gia chủ thờ Phật thì hát bài Lễ Phật Tổ hoặc Lễ Phật Bà; nếu gia đình thờ Tiên sư, Tổ nghề, Quan Công hay Chúa Tiên Huyền Nữ…thì đội bùa sẽ hát bài lễ Tiên sư, lễ Tổ nghề…nếu gia chủ thờ Bác Hồ thì hát bài lễ tạ Hồ Chủ Tịch… Hát lễ ở các bàn thờ trong nhà xong, đội bùa sẽ xuống nhà bếp hát bài Tạ trang Ông Táo.

Sau cung đoạn hát nghi lễ, toàn đội lại tiếp tục hành nghi lễ mang tính phương thuật, ém quỷ trừ tà. Trước khi tiếp tục phần này thì gia chủ phải đem con gà trống cúng ngoài sân. Nhạc nổi lên một hồi thì ông cái xướng phần đầu bài Phạt mộc, toàn đội xô sẽ theo ở đoạn sau. Sở dĩ phải phạt mộc bởi vì theo quan niệm, cây gỗ dùng để làm nhà thường có ma quỷ quỷ ẩn nấp bên trong. Ma quỷ thường hiện hành để hại người( mà dấu hiệu dễ thấy rong gia đình thường bị  “mộc đè”. Trong lúc toàn đội hát bài Phạt mộc thì ông phụ cái cầm rìu chém ba nhát vào cây cột và đóng ba cây đinh vao cây cột đó. Khi phạt mộc đã xong, phần nghi lễ cuối cùng là điểm mạnh của tục hát sắc bùa đó là thực hiện nghi thức trấn bùa. Trống nhạc lại tiếp tục nổi lên, ông cái tiếp tục xướng bài Trấn bùa:

Vâng bùa Thượng đế

Chiếu chỉ Ngọc hoàng

Bùa này xuống trấn dương gian

Cấm chúa quỷ, tà ma ngoại đạo (..)

      Tiếp lời toàn đội xô theo bài hát này. Đến đoạn ông cái xướng câu “ Ba điệu bùa tui dán lên đây”, ông phụ cái cầm ba lá bùa ( một lá bùa Bắc kiệt, hai lá bùa Xà) bước lên thang hoặc lên ghế đã chuẩn bị để thực hiện nghi lễ dán bùa lên xuyên nhà.

Thực hiện nghi lễ dán bùa xong coi như đã kết thúc phần thủ tục thực hành nghi lễ – phong tục và toàn đội bùa sẽ được chủ nhà mời ăn bánh, uống trà, rượu. Đây là thời gian nghỉ ngơi trước khi vào phần II, phần Chúc nghề nghiệp và múa hát mua vui

       Có nhiều bài hát Chúc nghề mà đội bùa phải thuộc lòng trước, nhưng có trường hợp ông cái phải ứng tác, vì có khi chủ nhà làm một nghề mà trước đó chưa có bài hát nào về nghề đó.

Thông thường đội bùa hát chúc nghề gia chủ (tùy nghề) như: Chúc nghề nông, Chúc nhà mới, Chúc nghề trồng thuốc lá, chúc nghề thợ đươn( đan), chúc nghề làm biển, chúc nghề đi câu.,chúc nghề thợ mộc, chúc nghề thợ hồ, chúc nghề đi buôn hàng chuyến, chúc nghề làm thuốc bắc … Các bài hát này thường có hai phần, phần đầu giải thích về nguồn gốc của nghề, các cung đoạn làm nghề, thời vụ của nghề, kỹ xảo của nghề…, phần sau là những lời chúc tụng nhân mùa xuân về.

Chương trình giúp vui sẽ diễn ra khi đội bùa đã xong phần hát chúc, gồm các bài: Lý ru con, Lý vẽ rồng, Vè cá biển, Vè trái cây…, kể cả một số bài theo các điệu lý cổ nhưng đã biên cải lời để phù hợp với tình hình thời sự, chính trị như về bộ đội biên phòng, về làm hợp tác xã…Sau khi hát múa sinh tiền các bài lý, bài vè xong toàn đội sẽ tiếp tục phần vừa hát vừa múa đèn.

Trước hết là tiết mục múa hát Ru con bắt bướm và sau đó là múa đèn. Bài hát múa đèn đầu tiên là  Lý hoa thơm. Kết thúc phần diễn giúp vui là hát múa Trấn vũ phương ( còn gọi là múa Lục cúng). Sau đó là hát múa về 12 con giáp tượng trưng cho 12 giờ trong ngày. Sau phần hát múa giúp mua vui, toàn đội sẽ sắp hàng trước bàn thờ gia tiên với sự có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình. Trống nhạc lại nổi lên và ông cái xướng bài Chúc gia chủ ( Hát mừng tuổi) sau đó toàn đội xô theo.

Đó là trình tự lễ thức đối với gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó đội bùa cũng được mời đi hát những nơi sinh hoạt cộng đồng: Lễ vạnLễ đình. Hiện nay, ở địa phương Phổ An cũng có trường hợp nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, kỷ niệm ngày Quốc khánh 2- 9, mừng Đại hội Đảng, các ngày lễ trọng đại của địa phương… … thì đội bùa cũng sẽ hát với những bài hát được sáng tác hoàn toàn mới phù hợp với từng  trường hợp. Và ở đây lời bài hát được sáng tác hoàn toàn mới. Trong những trường hợp múa hát cho cộng đồng làng như đã nói ở trên, người ta gọi đó là “ sắc làng” ( khác “ sắc nhà”).

Ảnh:  Đội sắcbùa biểu diễn trong lễ công bố và đón nhận xã Phổ An đạt chuẩn nông thôn mới

                          Ảnh : Bốn ông cái chủ chốt của đoàn sắc bùa hiện nay của xã Phổ An

 

Nhìn một cách tổng quát, sắc bùa Phổ An có những điểm tương đồng về nội dung các bài hát, về mục đích, ý nghĩa, hình thức diễn xướng, thời gian diễn xướng… Nhìn tổng thể hệ thống lề lối và ý nghĩa bao quát thì hát sắc bùa là để cầu chúc một năm mưa thuận gió hòa, cầu mong cho người yên vật thịnh, tấn tài tấn lộc, sống lâu trăm tuổi, trăm nghề tấn phát…

Qua công trình nghiên cứu sắc bùa, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã kết luận  rằng những nét riêng trong tục hát sắc bùa ở Phổ An khác tục hát sắc bùa của các địa phương khác trong cả nước. Những nét riêng thể hiện trong nhiều yếu tố, chẳng hạn như: về biên chế, sắc bùa Phổ An có từ 10 -15 biên chế, sắc bùa Đại Lộc chỉ có 4 biên chế; về hệ thống bài bản, làn điệu, sắc bùa Phổ An có đến 18 – 20 tiết mục khác nhau, trong khi đó sắc bùa Phú Lễ chỉ có 8-10 tiết mục, mà trong mỗi tiết mục sắc bùa Phổ An cũng lại có nhiều bài hát hơn Phú Lễ…Và một khía canh khác, cũng có thể thấy, sắc bùa Phổ An được nuôi dưỡng trong một môi trường ven biển, nên đậm yếu tố văn hóa biển trong giai điệu, trong nội dung bài bản, như tích hợp thêm các điệu hò, điệu lý vùng ven biển, có thêm các bài hát vè cá biển, những bài hát lễ vạn chài…

Diễn xướng sắc bùa có một dòng chảy thống nhất từ Bắc vào Nam, vừa có những điểm tương đồng, vừa có điểm khác biệt, mà Quảng Ngãi nói chung, Phổ An nói riêng là một điểm dừng lại để lưu trữ, để phát triển, và cũng để tự tạo cho mình một sắc thái riêng.

Nhưng đáng buồn thay, lớp trẻ, thậm chí là cháu con của những người giỏi hát sắc bùa ở Phổ An cũng chẳng ai còn thuộc và hát được sắc bùa. Bởi thế dẫu còn tình yêu say đắm, còn bài bản lời ca, nhưng lớp người hát giỏi vẫn chưa thể kiếm tìm ra “hậu nhân” để truyền lại, gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này !

       Một số hình ảnh sinh hoạt sắc bùa của Phổ An

 

     Trẻ con trong xóm đến nhà cụ Trần Biểu nghe hát sắc bùa

 

 

 Đội sắc bùa của Trường THCS Phổ An biểu diễn trong buổi tọa đàm ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

 

 

 

Học sinh THCS Phổ An đến nhà nghe cụ Trần Biểu nói chuyện hát múa sắc bùa

 

Học sinh THCS Phổ An đến nhà nghe chú Huỳnh Tiến  nói chuyện hát múa sắc bùa

 

Một buổi luyện tập hát sắc bùa của thầy và trò trường THCS Phổ An

  Đội sắc bùa của Trường THCS Phổ An biểu diễn trong buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường

 

Những buổi tập hát sắc bùa cùng các của các học sinh Trường THCS Phổ An

Tiết dạy Âm nhạc của thầy Lê Hữu Cường về hát sắc bùa