PHƯƠNG HƯỚNG, CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHỔ AN
Lượt xem:
UBND THỊ XÃ ĐỨC PHỔ
TRƯỜNG THCS PHỔ AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lạp – Tự do – Hạnh Phúc |
Số 01/ PHCL-THCSPA | Phổ An, ngày 25 tháng 5 năm 2021 |
PHƯƠNG HƯỚNG, CHIẾN LƯỢC
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHỔ AN
GIAI ĐOẠN 2021 – 2026, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn diện. Nhân tố cơ bản để giành được thắng lợi trong quá trình hội nhập chính là con người có trình độ và những kỹ năng vừa cơ bản, vừa chuyên sâu trên các lĩnh vực mà họ hoạt động. Để tạo nên những lớp người như vậy, ngành Giáo dục – Đào tạo phải có những định hướng mang tính chiến lược phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, nhà trường. Nó không những tạo ra và duy trì được phong trào thi đua dạy tốt – học tốt trong nhà trường mà còn là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững của nhà trường nói riêng, của quê hương đất nước nói chung.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo (Nghị quyết số 29-NQ/TƯ) có nêu: “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.”
Từ những vấn đề đã nêu trên, đặt ra cho nhà trường những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phải đẩy mạnh đồng bộ các hoạt động giáo dục trong nhà trường trên cơ sở sự đồng thuận của tập thể giáo viên, của Ban đại diện cha mẹ học sinh, của chính quyền địa phương. Do đó việc xây dựng Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường là một nhiệm vụ tất yếu khách quan, nhằm tìm ra những giải pháp khả thi với điều kiện của địa phương và nhà trường để áp dụng vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở Trường Trung học cơ sở Phổ An trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
A. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG PHƯƠNG HƯỚNG, CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/7/2020;
– Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
– Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020;
– Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 19/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025;
– Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
– Thông tư 13/2020/TT-BGDĐTngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học;
– Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
– Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐU ngày 03/03/2020 của Đảng bộ xã Phổ An về Nghị quyết Đại Hội đại biểu Đảng bộ xã Phổ An lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 về nhiệm vụ của giáo dục – đào tạo là đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, đòi hỏi các cơ sở giáo dục trên địa bàn nói chung và Trường THCS Phổ An nói riêng phải xây dựng Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và của Hiệu trưởng cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
B. NỘI DUNG PHƯƠNG HƯỚNG, CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2021 – 2026, TẦM NHÌN ĐẾN 2030
PHẦN I. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHỔ AN GIAI ĐOẠN 2015- 2020
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
- Huy động học sinh đến trường; công tác phổ cập giáo dục
Từ năm học 2015 đến 2020 nhà trường đã thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục THCS và tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 hàng năm đạt 100%. Từ năm 2015 – 2020 xã Phổ An tiếp tục được UBND huyện (nay là UBND thị xã) công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, Phổ cập trung học cơ sở và xóa mù chữ.
- Chất lượng giáo dục (Từ năm học 2016-2017 đến 2020-2021)
Trong những năm qua chất lượng giáo dục nhà trường có những chuyển biến tích cực về số lượng cũng như chất lượng (có phụ lục kèm theo).
II. CÁC ĐIỀU KIỆN DẠY VÀ HỌC
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên
– Trong thời gian qua nhà trường đã khuyến khích động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ học tập nâng cao trình độ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường học ngày càng được bổ sung, đảm bảo đủ cho công tác dạy học. Tuy nhiên, so với Luật Giáo dục năm 2019 thì hiện tại vẫn còn 10/30 giáo viên có trình độ đào tạo là Cao đẳng sư phạm, chưa đạt chuẩn.
– Bên cạnh việc thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, nhà trường triển khai trong toàn thể cán bộ, giáo viên nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
- Cơ sở vật chất trường học
– Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mở rộng khuôn viên trường về phía Đông.
– Để đảm bảo cho công tác dạy và học nhà trường luôn chú trọng công tác tham mưu, tích cực huy động nhiều nguồn lực để xây dựng trường học khang trang, xanh, sạch, đẹp. Thường xuyên tu bổ nâng cấp sửa chữa hệ thống phòng học, mua bổ sung các trang thiết bị. Tích cực xây dựng các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Kết quả sau như sau:
– Toàn trường có: 14 phòng học, 6 phòng học bộ môn (Hóa; Sinh- Công nghệ; Lý – công nghệ; Tin học; Âm nhạc – Mĩ Thuật; Phòng dạy Tiếng Anh có bảng tương tác do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp) và một thư viện.
– Khu hành chính quản trị và khối phòng phục vụ học tập gồm: phòng Hiệu trưởng, phòng Phó Hiệu trưởng; phòng Tư vấn tâm lý học đường; Bảo vệ; phòng Y tế; phòng Kế toán- Văn thư; phòng Giáo viên; phòng Tổ chuyên môn; phòng Đòan – Đội; phòng Đoàn thể; phòng Truyền thống.
– Nhà vệ sinh, hệ thống nước, hệ thống điện sáng, quạt,… được đầu tư sửa chữa và nâng cấp. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học được mua sắm bổ sung theo danh mục tối thiểu của Bộ Giáo dục & Đào tạo chuẩn bị đầy đủ cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 và năm 2018.
III. CÔNG TÁC KHÁC
Ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì trường đạt chuẩn quốc gia là: việc duy trì có hiệu quả trường đạt chuẩn quốc gia sẽ có tác dụng trực tiếp đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dạy học. Trong những năm qua nhà trường đã tích cực tham mưu với lãnh đạo các cấp huy động các nguồn lực xã hội xây dựng truờng đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12 năm 2021.
- Công tác xã hộ̣i hóa giáo dục
– Nhà trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức tốt đại hội, hội nghị về công tác giáo dục hàng năm theo định kỳ.
– Trong từng năm học nhà trường đã tổ chức có hiệu quả Hội nghị cha mẹ học sinh lớp, cha mẹ học sinh toàn trường để tuyên truyền công tác giáo dục và huy động sự tham gia của của phụ huynh trong việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học.
– Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh qua sổ liên lạc điện tử, hội họp để giáo dục, dạy dỗ con em.
- Triển khai các phong trào thi đua và các cuộc vận động
– Thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Mỗi cá nhân, tổ chức đoàn thể trong các nhà trường đều đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ.
– Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Trong những năm qua nhà trường đã triển khai đầy đủ, cụ thể các văn bản của Bộ GD&ĐT, của các cấp liên quan về việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đến tận cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
– Đã xây dựng một kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết cho từng năm học kèm theo đó là các giải pháp thực hiện một cách phù hợp.
+ Tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh, cán bộ giáo viên huy động các nguồn lực, ngày công để xây dựng, cải tạo khuôn viên nhà trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.
+ Triển khai có hiệu quả các trò chơi dân gian, chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ của địa phương… Trồng và chăm sóc tốt các loại cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên trường.
– Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề từng năm học mà đặc biệt là “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Với chủ đề này từ giáo viên đến cán bộ quản lý đều xây dựng các kế hoạch đổi mới một cách cụ thể, tích cực và có hiệu quả.
IV. NHỮNG TỒN TẠI, NGUYÊN NHÂN, THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC
- Những tồn tại
– Chất lượng dạy học của trường tuy đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng học sinh giỏi tăng song chưa bền vững; đặc biệt là chất lượng đại trà và chất lượng đầu vào Trung học phổ thông của trường còn thấp, nhất là bộ môn tiếng Anh.
– Việc duy trì đạt phổ cập giáo dục đã thực hiện tốt song tỷ lệ đạt của các tiêu chuẩn chưa cao còn thiếu sự bền vững. Hiện tượng học sinh bỏ học vẫn còn, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học cơ sở trong độ tuổi từ 15-18 tuổi còn thấp.
– Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường tuy đã đủ số lượng nhưng cơ cấu theo bộ môn chưa đồng bộ. Chất lượng đội ngũ vẫn chưa đồng đều, số giáo viên hợp đồng còn nhiều. Một bộ phận giáo viên chưa tích cực trong việc đổi mới phương pháp, thiếu năng nổ trong các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, vẫn còn 10 giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo theo chuẩn luật giáo dục mới.
– Diện tích đất nhà trường đang sử dụng là 9.222 m2 nhưng chỉ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 5.458 m2, còn 3.764m2 chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Cơ sở vật chất thường xuyên được quan tâm xây dựng, tuy nhiên so với Thông tư 13/2020/TT-BGDĐTngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học thì chưa đảm bảo.
- Nguyên nhân của những tồn tại
– Do đời sống của phần lớn nhân dân đang còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn lực, kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trường học còn hạn chế.
– Do công tác quy hoạch và thời gian sử dụng công trình đã lâu nên nhiều công trình không còn đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
– Nhận thức của một số phụ huynh chưa cao, còn chưa quan tâm đến việc học tập của con em, còn có tư tưởng khoán trắng cho nhà trường.
– Công tác phối hợp giữa nhà trường và các ban ngành đoàn thể trong và ngoài nhà trường chưa nhịp nhàng.
– Nhiều học sinh chưa ngoan, chưa xác định được động cơ học tập, chưa phát huy tính tích cực trong việc học tập, thiếu tập trung trong tự học tự phát hiện kiến thức mới; Một bộ phận học sinh bị hỏng kiến thức từ lớp nhỏ nên rất khó khăn trong việc học tập, tiếp thu kiến thức mới; ngoài ra nhiều học sinh chưa tìm ra phương pháp học thích hợp và hiệu quả cho bản thân mình, việc học vẹt, học máy móc còn phổ biến, chưa ý thực được việc tự học, không hiểu được ưu điểm, nhược điểm của bản thân để tìm ra phương pháp và cách học hợp lý.
– Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, trò chơi điện tử, ngoài tác dụng tich cực trong quá trình dạy học cũng ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến một bộ phận học sinh.
– Việc thay đổi Luật Giáo dục, yêu cầu trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở có trình độ chuẩn là Đại học sư phạm; Việc đổi mới về giáo dục diễn ra nhanh và có nhiều nội dung mới, đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa cập nhật kịp thời
– Phổ An là địa phương thuộc xã ven biển đặc biệt khó khăn (từ năm 2018 trở về trước) vì thế một bộ phận không nhỏ người dân đi làm ăn xa (đi biển, đi Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác) nên sự quan tâm đến học tập của con em còn hạn chế.
- Thời cơ
– Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của tập thể cán bộ giáo viên nhân viên, sự tín nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh.
– Đội ngũ cán bộ, giáo viên tương đối trẻ và có năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm khá tốt.
– Xã Phổ An đã đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao nên đời sống nhân dân được cải thiện, sự quan tâm của nhân dân đến công tác giáo dục được nâng lên.
– Vị trí địa lý của nhà trường được đặt ở vị trí trung tâm cùng với các cơ quan hành chính nhà nước khác của xã, thuận tiện về giao thông và dễ mở rộng diện tích đất để phát triển cơ sở hạ tầng trường học trong giai đoạn mới.
- Thách thức
– Việc huy động sự đầu tư, đóng góp của xã hội đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện dạy học thích ứng nhu cầu xã hội chưa được chủ động.
– Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và liên tục được đổi mới, nâng cao mà trước mắt là việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, kế hoạch giáo dục của nhà trường một cách linh hoạt, phù hợp để thực hiện song song 02 chương trình giáo dục phổ thông.
– Đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên.
– Xã hội ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Giáo dục học sinh không chỉ phụ thuộc nhà trường mà là trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
- Xác định vấn đề ưu tiên
– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên và nhân viên, tạo điều kiện cho giáo viên tự học và tham gia đào tạo theo lộ trình, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên đủ chuẩn và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác giảng dạy và bồi dưỡng chuyên môn.
– Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ dạy tập trung vào nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực; giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; đánh giá học sinh theo định hướng vì sự tiến bộ của người học.
– Chất lượng giáo dục học sinh có sự chuyển biến toàn diện, đặc biệt là rèn kỹ năng sống để phát triển năng lực con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
– Xây dựng cơ sở vật chất theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mua sắm các trang thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu ban hành theo Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục vad Đào tạo đảm bảo phục vụ tốt cho việc dạy học; phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và trở thành trường chất lượng cao của thị xã
PHẦN II. PHƯƠNG HƯỚNG, CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2021 – 2026, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
I. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC
- Sứ mệnh
– Tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn – thân thiện – năng động và sáng tạo để học sinh được phát huy tối đa khả năng của bản thân từ đó đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh và yêu cầu đổi mới ngày càng cao của xã hội.
– Tạo ra các thế hệ học sinh phát triển toàn diện. Coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức với phương châm “ thành người trước khi thành tài”
– Nâng cao chất lượng văn hóa đại trà và mũi nhọn, tạo điều kiện để mỗi học sinh có cơ hội phát triển năng lực tiềm ẩn và tư duy sáng tạo, nhạy bén trong cuộc sống, biết nắm bắt cơ hội để tỏa sáng và thành công.
– Cung cấp cho xã hội những học sinh có kiến thức, có tâm hồn trong sáng, có thể lực mạnh khoẻ để tiếp tục học lên bậc học cao hơn hoặc đi vào lao động sản xuất, giúp các em trở thành các công dân có ích và trung thành của đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Tầm nhìn
Trở thành ngôi trường có bề dày về truyền thống giáo dục toàn diện và có chất lượng, nơi mà cha mẹ học sinh sẽ lựa chọn để con em mình được học tập và rèn luyện. Đây cũng là nơi giáo viên luôn có khát vọng được cống hiến và học sinh luôn có khát vọng vươn lên để phát huy truyền thống hiếu học sẵn có.
- Các giá trị cốt lõi
– Tính trung thực
– Tinh thần trách nhiệm – Lòng tự trọng – Sự hợp tác – Tinh thần đoàn kết |
– Tính kỷ luật
– Tính tiết kiệm – Tính sáng tạo – Khát vọng vươn lên – Lòng nhân ái |
4. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
Xây dựng trường THCS Phổ An “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hiệu quả”; tất cả vì học sinh thân yêu.
II. MỤC TIÊU
- Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ 2021, phấn đấu đến 2028 đạt mức độ 2.
- Mục tiêu cụ thể và một số giải pháp
– Duy trì và nâng mức các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
– Tranh thủ mọi sự hỗ trợ của các dự án, sự giúp đỡ của lãnh đạo các cấp huy động các nguồn lực và sự đóng góp của toàn xã hội tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện việc dạy và học ngày càng có chất lượng tốt hơn ở nhà trường.
– Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ nhân dân, đội ngũ giáo viên, học sinh về các chủ trương của Đảng và nhà nước các văn bản liên quan đến công tác phát triển giáo dục.
– Tập trung các giải pháp, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục kĩ năng sống để nâng cao chất lượng, đảm bảo nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi, tăng số lượng học sinh đạt giải trong các hội thi do ngành tổ chức, nâng vị trí của trường trong bảng xếp loại toàn thị xã.
– Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phấn đấu đến năm 2025 có 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn (Đại học sư phạm) và trên chuẩn.
– Giữ vững danh hiệu Liên đội mạnh cấp tỉnh; Công đoàn được Liên đoàn Lao động thị xã tặng giấy khen; đạt Tập thể lao động Xuất sắc cấp thị xã; đạt đơn vị văn hoá xuất sắc cấp tỉnh. Cụ thể như sau:
2.1. Số lượng, chất lượng học sinh
2.1.1. Số lượng học sinh
– Tuyển sinh lớp 6 đạt 100% số học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học trên địa bàn.
– Quy mô:
+ Lớp học: đến năm 2025 có 20 lớp và ổn định từ 18 đến 20 lớp đến 2030.
+ Học sinh: từ 635 đến 700 học sinh; duy trì sĩ số trên 99%.
2.1.2. Chất lượng học tập
Chất lượng đại trà, phấn đấu hàng năm:
– Có 15% đến 20% học sinh giỏi.
– Có 35% đến 40% học sinh khá.
– Tỷ lệ học sinh yếu không quá 3%.
– Thi đỗ vào lớp 10 trên 80%; học trung học phổ thông và học nghề trên 90%.
* HS năng khiếu, mũi nhọn, phấn đấu hàng năm:
– Có 3 giải đến 5 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
– Có 20 giải đến 30 giải học sinh giỏi cấp thị xã.
– Có 15 giải đến 20 giải năng khiếu cấp thị xã.
2.1.3. Chất lượng đạo đức và kỹ năng sống
– Hạnh kiểm: phấn đấu hàng năm có 100% học sinh đạt hạnh kiểm từ trung bình trở lên (trong đó trên 90% đạt khá, tốt)
– Tăng cường giáo dục cho học sinh kỹ năng sống: 100% học sinh được tiếp cận với các chương trình giáo dục kỹ năng sống; 100% học sinh được cung cấp kiến thức cơ bản về các quyền, được giáo dục về kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, nắm vững các kiến thức về an toàn giao thông an toàn thực phẩm, biết phòng tránh các tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh nói chung và vỉ rút corona nói riêng.
2.2. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên
– Tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên: Từ 39 đến 42 người (quản lí 2, nhân viên 3, giáo viên 34 đến 37) theo số lượng lớp hắng năm để đảm bảo tỉ lệ giáo viên/ lớp theo quy định.
* Lộ trình đào tạo đủ chuẩn
– Hiện tại có 06 giáo viên đang tự đi học đại học do các trường Đại học đào tạo sẽ hoàn thành đại học trong năm 2022; còn 04 giáo viên đang đăng ký đào tạo đủ chuẩn theo lộ trình của Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn đào tạo.
* Chất lượng phấn đấu trung bình hàng năm:
– Có từ 2 đến 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (tính theo năm tổ chức thi).
– Có từ 4 đến 6 giáo viên dạy giỏi cấp thị xã (tính theo năm tổ chức thi).
– Có từ 5 đến 7 cán bộ, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua các cấp.
2.3. Cơ sở vật chất và xã hội hoá giáo dục
2.3.1. Cơ sở vật chất
Phấn đấu từ nay đến năm 2025 thực hiện hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở vật chất của trường ở mức 2 theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
TT | Năm dự kiến đầu tư xây dựng | Hạng mục, công trình | Dự trù kinh phí (đồng) |
1 | Năm học 2021-2022 | Sửa chữa 01 nhà vệ sinh giáo viên, 01 nhà vệ sinh học sinh, xây mới nhà vệ sinh giáo viên | 650.000.000 |
2 | Năm học 2021-2022 | Làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nâng cấp mặt bằng và xây dựng hàng rào lưới B40 khu TDTT | 150.000.000 |
Năm học 2021-2022 | Sửa chữa nhà để xe giáo viên, xây phòng kho | 60.000.000 | |
3 | Năm học 2021-2022 | Trang bị thiết bị, bàn ghế, bảng cho Phòng học bộ môn | 50.000.000 |
3 | Năm học 2022-2023 | Sơn tường, thay mới hệ thống cửa 8 phòng học phía Nam; Sơn tường, chống thấm dãy 02 phòng học bộ môn và phòng Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, văn phòng | 400.000.000 |
5 | Năm học 2023-2024 | Xây mới 08 phòng học | 8.700.000.000 |
6 | Năm học 2023-2024 | Mua sắm máy móc, thiết bị để xây dựng thư viện tiên tiến | 150.000.000 |
7 | Năm học 2023-2024 | Nâng cấp lối đi nội bộ, sân chơi. | 700.000.000 |
8 | Năm học 2024-2025 | Xây mới nhà tập đa năng, sân TDTT | 3.000.000.000 |
Năm học 2024-2025 | Xây mới khối phòng phục vụ học tập, Khối phòng HCQT | 5.500.000.000 | |
9 | Năm học 2025-2026 | Xây dựng bể bơi | 3.000.000.000 |
10 | Từ năm
2026- 2030 |
Cải tạo, nâng cấp các công trình hiện hữu; xây mới phòng học bộ môn. | 5.000.000.000 |
( Nguồn kinh phí phục vụ xây dựng, sửa chữa: Kinh phí sự nghiệp Giáo dục; kinh phí huy động từ các nhà hảo tâm, nhân dân) |
2.3.2. Xã hội hóa giáo dục
– Hàng năm trường phối hợp với trường Mầm non và Tiểu học để tổ chức tốt việc duy trì đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ và tổ chức hội nghị giáo dục cấp xã.
– Duy trì và thực hiện tốt hội nghị cha mẹ học sinh các lớp, hội nghị cha mẹ học sinh cấp trường trong năm học đúng quy định.
– Phối kết hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban ngành đoàn thể và các tổ chức trong xã hội để rèn luyện, giáo dục học sinh một cách toàn diện, vận động học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường.
– Chú trọng công tác tham mưu tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương trong cán bộ, giáo viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc duy trì, xây dựng và phát huy có hiệu quả trường đạt chuẩn quốc gia để toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
– Phối hợp với phụ huynh học sinh cùng tham gia huy động nguồn vốn từ cựu học sinh, các tổ chức, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân để huy động mỗi năm từ 50 đến 100 triệu đồng để gây quỹ khuyến học, khuyến tài và tăng cường cơ sở vật chất nhà trường phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học.
- Xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm
Dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo hàng năm để lập dự toán ngân sách phù hợp với quy mô trường lớp nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục và đáp ứng nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục đào tạo, và đủ điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như xây dựng thư viện, phòng truyền thống, phòng đa chức năng, bể bơi….
4. Phương án quy hoạch
Theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên nhà trường đã chú trọng công tác quy hoạch đảm bảo diện tích sử dụng theo yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia với tổng diện tích sử dụng 9.222 m2. Trong đó chia ra các khu phòng học, khu thí nghiệm thực hành, khu hành chính quản trị, khu sân chơi, bãi tập.
PHẦN III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Phổ biến kế hoạch
– Phương hướng chiến lược, xây dựng và phát triển giáo dục Trường Trung học cơ sở Phổ An giai đoạn 2021 – 2026 , tầm nhìn đến 2030 được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, viên chức nhà trường, cơ quan chủ quản, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
– Niêm yết công khai Phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển tại Hội đồng nhà trường và trên Wetsite của trường.
- Xây dựng lộ trình
2.1 Giai đoạn 2021-2026
– Triển khai Kế hoạch đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Báo cáo lên cơ quan chủ quản để xin ý kiến chỉ đạo.
– Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết các nội dung đề ra theo từng năm học.
– Hoàn thành cơ bản xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, tham mưu đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất và trang thiết bị.
– Xây dựng kế hoạch cho cán bộ, giáo viên tham gia học tập để đạt trình độ chuẩn theo qui định của ngành.
– Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
-Nâng trình độ đào tạo (Đại học sư phạm) và Tin học, Ngoại ngữ của giáo viên lên 100%. Trong đó, 10% giáo viên có trình độ Trung cấp chính trị và 2% Cử nhân quản lý giáo dục. Khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy.
2.2 Giai đoạn 2025-2030
– Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết các nội dung đề ra theo từng năm học.
– Tiếp cận tốt với các phương pháp, phương tiện, thiết bị dạy học tiên tiến trong khu vực và thế giới.
– Xây dựng thành công trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
- Phân công trách nhiệm từng bộ phận, cá nhân
3.1. Hiệu trưởng
Tổ chức triển khai thực hiện Phương hướng chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, viên chức nhà trường, đưa lên Website trường, phòng giáo dục và đài truyền thanh xã. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học. Cụ thể:
– Tham mưu với các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí đầu tư thường xuyên.
– Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch phát triển chung cho toàn trường.
– Tổ chức đánh giá thực hiện kế hoạch hành động hằng năm của toàn trường và thực hiện kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn.
3.2. Phó Hiệu trưởng
Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
3.3. Các Tổ trưởng chuyên môn
– Căn cứ Phương hướng chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ.
– Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
– Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể (từng năm) của tổ, trong đó mỗi hoạt động cần nêu rõ mục tiêu cần đạt, kết quả, hiệu quả, thời gian và các nguồn lực thực hiện
3.4. Giáo viên, nhân viên
Căn cứ kế hoạch của tổ để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đúng thời gian quy định, thông tin kịp thời những vướng mắc nhằm để bàn bạc, có các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển giáo dục nhà trường.
3.5. Hội đồng trường
Hội đồng trường trên cơ sở Phương hướng, chiến lược; xây dựng kế hoạch; ban hành nghị quyết để nhà trường thực hiện đạt hiệu quả.
3.6. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường
– Hằng năm xây dựng chương trình hành động thực hiện các nội dung liên quan trong Phương hướng,chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
– Tuyên truyền, vận động các thành viên của đoàn thể, tổ chức mình thực hiện tốt các nội dung và giải pháp trên, góp ý với nhà trường để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện.
3.7. Ban đại diện cha mẹ học sinh
– Hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực, cùng với nhà trường tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm góp phần thực hiện mục tiêu đề ra.
– Tăng cường giáo dục gia đình, vận động cha mẹ học sinh quan tâm phối kết hợp chặt chẽ với nhà trường và các lực lượng giáo dục khác trong việc giáo dục con em.
3.8. Đối với học sinh
Không ngừng học tập, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, ra sức rèn luyện các kỹ năng để thích ứng với các điều kiện xã hội, trở thành những người công dân tốt.
II. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
– Thực hiện việc tự kiểm tra, đánh giá từng học kỳ, hằng năm và kết thúc mỗi giai đoạn của Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
– Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
PHẦN IV. KẾT LUẬN
Việc xây dựng Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển giáo dục giai đoạn 2021 -2026, tầm nhìn 2030 là một việc làm rất quan trọng có ý nghĩa đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến sứ mệnh phát triển giáo dục của địa phương. Việc thực hiện Phương hướng, chiến lược là việc làm lâu dài đòi hỏi có phương án, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và từng công việc cụ thể .Vì vậy hàng năm nhà trường cần phải chủ động tham mưu với cấp trên trong việc triển khai kế hoạch thực hiện.Trong quá trình xây dựng kế hoạch cần phải tính toán, cân nhắc một cách cụ thể trên tất cả các mặt và kèm theo đó là xác định các mốc thời gian để thực hiện các công việc cũng như kinh phí thực hiện việc xây dựng các hạng mục. Cần phải có các giải pháp cụ thể để thực hiện tất cả các công việc và phải khẳng định rằng phương hướng, chiến lược phát triển giáo dục là điều kiện quan trọng để thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Vì vậy, nhà trường yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh hãy chung tay góp sức, quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến 2030./.
Nơi nhận:
– Phòng GD-ĐT Đức Phổ; – UBND xã Phổ An; – Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; – Lưu Hồ sơ. |
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thành Dự |
DUYỆT CỦA LÃNH ĐẠO CÁC CẤP
UBND XÃ PHỔ AN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO